Tình hình diễn đàn

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các nhà báo trong thời gian đi thăm nước Pháp năm 1946 EmptyChủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các nhà báo trong thời gian đi thăm nước Pháp năm 1946 Empty

Diễn đàn chém gió lớn nhất Việt Nam


Go downThông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

© FMvi.vn

23/7/2012, 20:52
moder
moder

Mem cấp 7

14:37:56, 11/06/2008
Lê Thị Liên

Ngày 31 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Cộng hoà Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Trong những ngày ở thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động đối ngoại nhằm tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết quốc tế, sự hiểu biết giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè và nhân dân các nước trên thế giới.

Là nhà lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một nhà báo nên Người hiểu rất rõ vai trò và tác dụng tuyên truyền của báo chí trong hoạt động ngoại giao, vì vậy gần bốn tháng ở thăm Pháp (từ đầu tháng 6 đến 17-9-1946) Người đã có hơn 60 cuộc tiếp xúc, nói chuyện và trả lời phỏng vấn phóng viên của hơn 20 tờ báo của Pháp và các nước, các hãng thông tấn. Và dù ở xa Tổ quốc nhưng hàng ngày Người vẫn giữ thói quen thường xuyên đọc sách, báo để theo dõi tin tức, tình hình trong nước và quốc tế.

Ngày đầu tiên trong cuộc đón tiếp của Chính phủ Pháp, sau khi tiếp xúc với đại biểu các đảng, các đoàn thể Pháp và kiều bào, phát biểu với đại biểu Hãng thông tấn Pháp Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Cảm ơn Chính phủ và dân chúng Pháp tiếp đãi một cách long trọng, mong sau này hai dân tộc Pháp và Việt cộng tác một cách bình đẳng, thật thà và thân thiện.

Ngày 22-6-1946, vào lúc 17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Raymông Bácbê (Raymond Barbé).

Ngày 25-6, 16 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp phóng viên báo L’ Humanité Dimanche đến chụp ảnh.

17 giờ, tại Khách sạn Roayan Môngxô, Người tiếp gần 100 đại biểu các báo Pháp và nước ngoài đến thăm, trong đó có các nhà báo nổi tiếng như bà Tabouie Genevière, bà Simone Téry, ông Baillet, v.v.. Tại buổi tiếp, Người nói: "Từ khi tới Pháp, ở Biarít thăm Baxcơ và cho tới khi đến Pari, tôi được Chính phủ đón tiếp long trọng, nhân dân Pháp và các nhà báo chào mừng nồng nhiệt. Tôi rất cảm ơn. Hôm nay, tôi chưa thể tuyên bố gì, để đợi Chính phủ Pháp tiếp chính thức". Sau đó, Người mời các phóng viên dự tiệc trà. Trước khi tiệc tan, vào lúc 18 giờ, Người cầm những bông hoa trên bàn tiệc tặng mỗi nữ phóng viên một bông hoa, còn lại một bông, Người tặng cho nam phóng viên nhiều tuổi nhất.

Từ 21 giờ 15 đến 22 giờ, Người nói chuyện với Tổng thư ký M.R.P và ông Anbe.

Ngày 27-6, 6 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dạo chơi trong rừng Bulônhơ và thăm lâu đài Selô (Chaillot). Phóng viên báo Point de vue xin được chụp ảnh.

Ngày 2-7, ngày đầu tiên trong Chương trình chính thức đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh của Chính phủ Pháp.

Ngày 4-7, 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nữ phóng viên của tuần báo Ngôi sao và một số phóng viên các báo khác đến thăm.

Ngày 5-7, 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn phóng viên Camben (Campbell), đại diện báo New York Times.

17 giờ cùng ngày, Người tiếp nhà báo Bácbê Raymông.

Ngày 10-7, 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo Clôđơ Bécna (Claude Bernard) đến chào. Ông nguyên là đại tá của quân đội Pháp ở Việt Nam, đã gần 80 tuổi, là người hiểu rõ về Việt Nam và rất ủng hộ phong trào độc lập của Việt Nam.

9 giờ 30, Người tiếp phóng viên Mỹ Rốt (Roth) đến phỏng vấn.

Ngày 11-7, 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp phóng viên báo Le Monde và một số bà con Việt kiều.

Ngày 12-7, 18 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu các báo Pháp và các báo ngoại quốc. Người tuyên bố 6 điều về lập trường của Việt Nam tại Hội nghị Phôngtennơblô. Người nói:

"Tôi tin nước Pháp mới. Tôi có gặp nhiều người Pháp phụ trách, họ đều hiểu chúng tôi. Về phần chúng tôi, chúng tôi rất thật thà. Chúng tôi mong rằng người khác cũng thật thà với chúng tôi. Chúng tôi quyết không chịu hạ thấp chúng tôi. Mà chúng tôi cũng không muốn hạ thấp nước Pháp. Chúng tôi không muốn đẩy người Pháp ra khỏi Việt Nam. Nhưng chúng tôi nói với họ: các người hãy phái đến nước chúng tôi những kỹ sư, những nhà khoa học, những vị giáo sư, phái đến những người họ biết yêu chuộng chúng tôi. Nhưng chớ phái qua những người họ muốn bóp cổ chúng tôi.

Việt Nam cần nước Pháp. Nước Pháp cũng cần Việt Nam. Chỉ có lòng tin cậy lẫn nhau và sự cộng tác bình đẳng, thật thà, thì mới đi đến kết quả thân thiện giữa hai nước".

Tại cuộc họp báo này, Người đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo. Khi một nhà báo hỏi: Nếu Nam Kỳ từ chối không sáp nhập vào Việt Nam, Chủ tịch sẽ làm như thế nào? Người trả lời:

"Nam Kỳ cùng một tổ tiên với chúng tôi, tại sao Nam Kỳ lại không muốn ở trong đất nước Việt Nam? Người Baxcơ (Basques), người Brơtôn (Breton) không nói tiếng Pháp mà vẫn là người Pháp. Người Nam Kỳ nói tiếng Việt Nam, tại sao lại còn nghĩ đến sự cản trở việc thống nhất nước Việt Nam?".

Ngày 13-7, 15 giờ, Người tiếp và trả lời phỏng vấn bà Rôxenphen (Rosenfeld), đại diện báo Phụ nữ. Người đã nêu lên truyền thống anh hùng, đảm đang của phụ nữ Việt Nam cùng những quyền lợi mà họ được hưởng, như: bình đẳng như nam giới, có quyền ứng cử và bầu cử vào cơ quan chính quyền.

Trong ngày, Người tiếp phóng viên tuần báo Grégoire đến phỏng vấn.

Ngày 15-7, 17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phỏng vấn một số phóng viên.

Ngày 16-7, 16 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp bà Xôniê Côranhtơ (Saunier Corinthe), đại biểu tuần báo Hành động (L’ Action) đến phỏng vấn. Báo Hành động là một tờ báo tiên tiến, thường viết bài bênh vực Việt Nam.

Ngày 19-7, 10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phỏng vấn ông Rôxenphen (Rosenfeld) về Hội nghị Phôngtennơblô.

Ngày 20-7, 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Rămbê (Rember) phóng viên báo Franc - Tireur đến thăm.

Ngày 21-7, 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu ban biên tập báo Le Canard Enchainé.

Ngày 22-7, 12 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo Đanien Ghêranh (Daniel Guérin).

15 giờ cùng ngày, Người tiếp Rôxenphen.

Ngày 23-7, 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và cùng ăn sáng với nhà báo Pháp Đuyxa (Dussart), người đã đến Việt Nam và thường hay viết bài bênh vực Việt Nam.

Ngày 24-7, 13 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cơm trưa một người phụ trách một tờ báo phản động. Trong lúc nói chuyện, nhà báo ấy đặt rất nhiều câu hỏi khó, nhưng khi nghe Người trả lời thì vẫn tán thành. Có vài tờ báo thường công kích Việt Nam, sau khi Người mời đến giải thích rõ ràng, thì họ lại đăng những bài viết đứng đắn.

Sau cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tờ báo ở Paris và 20 tờ báo ở các tỉnh của Đảng Xã hội đã đăng bài nói về quan hệ giữa Việt Nam với Pháp, về các quan hệ chính trị, kinh tế, quân sự và văn hoá. Hồ Chí Minh nói: "Nước Pháp thừa nhận Việt Nam độc lập và cùng chúng tôi gây mối quan hệ mới trên cái nền tin cậy và tự do thì nước Pháp sẽ thấy danh dự của mình, tinh thần của mình và hấp lực của mình ở Việt Nam thêm nhiều lắm. Mà như thế thì vững vàng, chắc chắn hơn là lấy chiến tranh hoặc sức mạnh hoặc thâm mưu để ép chúng tôi ký điều ước này, điều ước nọ".

Ngày 26-7, báo La Liberté đăng bài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn phóng viên báo này. Người nêu nhiệm vụ cấp bách của cách mạng Việt Nam là diệt giặc đói và giặc dốt; mong muốn xây dựng mối quan hệ Việt - Pháp thật thà bình đẳng, bởi "Nước Pháp cần đến chúng tôi. Chúng tôi cũng cần đến nước Pháp. Vấn đề chính là nước Pháp làm thế nào mua được tấm lòng của 20 triệu dân Việt Nam tự do. Muốn như vậy thì không nên tìm cách "lừa gạt" chúng tôi, không nên sinh chuyện lôi thôi vô ích".

Ngày 27-7, 10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp chủ bút tuần báo "Con vịt bị trói" đến thăm.

Ngày 30-7, 12 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự bữa cơm cùng gia đình đại tá Bécna. Cùng dự có ông Piát (Piat), chủ bút báo Le Combat. Ông Bécna đã biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh một cuốn sách quý viết về Đông Dương.

Chiều 31-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm bà Ăngđrê Viôlít (Andrée Violis), một nhà báo nổi tiếng. Bà đã từng sang Việt Nam điều tra về tội ác của thực dân Pháp. Sau khi về nước, bà viết cuốn "Đông Dương kêu cứu". Cuốn sách lên án chính sách tàn bạo của người Pháp ở thuộc địa và bênh vực nhân dân Việt Nam. Bà thường viết báo ủng hộ vận động độc lập cho Việt Nam.

Cùng ngày, Người tiếp phóng viên báo Le Combat.

Ngày 2-8, 9 giờ 30, tại Xoadi, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Phlơri (Fleury), một nhà báo chuyên nghiên cứu về kinh tế đến phỏng vấn.

10 giờ, Người tiếp ông Vương, đại biểu của Hãng thông tin Trung Hoa ở Pháp. Ông là người viết báo rất giỏi, rất am hiểu tình hình thế giới, thường viết bài nói về quan hệ Việt - Pháp, sau đó gửi về đăng trên các tờ báo lớn ở Trung Quốc và những nơi có Hoa kiều sống.

12 giờ, Người tiếp ông Clôđơ Móocgăng (Claude Morgan), chủ bút tờ tuần báo Văn chương nước Pháp (Lettres Francaises). Đây là tờ báo của các văn sĩ Pháp, những người có ảnh hưởng lớn trong giới trí thức Pháp và rất tán thành nền độc lập của Việt Nam.

Ngày 3-8, 10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo Đuyxa (Dussari).

11 giờ, Người tới thăm ông Buyrê Xtibiô (Buré Stibio), chủ bút báo L’ordre, năm đó 70 tuổi và là một nhà báo nổi tiếng. Báo L’ondre thuộc phe hữu, thường viết bài công kích Việt Nam. Sau cuộc gặp gỡ này, thái độ của Buyrê Xtibiô đã thay đổi, ông có nhiều bài đăng sát thực hơn để ủng hộ Việt Nam.

Ngày 6-8, 16 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn ông Sácbonniê (Charbonnier), phóng viên báo L’order.

Ngày 7-8, 13 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông D’ Astier, cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp đến thăm. Ông là nghị sĩ trong Quốc hội Pháp và chủ bút một tờ báo phái tả, thường đăng bài tán thành Việt Nam độc lập.

Ngày 8-8, 13 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và mời cơm ông Cuatađơ (Courtade), phóng viên báo Nhân loại. Cuatađơ là một phóng viên am hiểu tình hình chính trị thế giới, văn chương sâu sắc và hoạt bát. Ông cũng thường viết bài ủng hộ nền độc lập của Việt Nam.

Ngày 9-8, 16 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Giăng Bêđen (Jean Bedel), phóng viên báo Libération đến thăm. Ông Giăng Bêđen đã ân cần mời Người đến chơi nhà ông. Người cảm ơn và hứa bao giờ có thời gian rỗi sẽ đến thăm. Báo Libération là một báo phái tả, rất đồng tình với Việt Nam.

Ngày 12-8, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Le Combat về vụ xung đột ở Bắc Ninh. Người nói: "Về việc này tôi khó nói vì tôi chưa nhận được những tin tức đích xác, rõ ràng. Ý kiến của tôi là mặc dầu trách nhiệm về bên nào, vụ xung đột ấy cũng rất đáng tiếc. Tôi rất buồn nghe thấy nói có nhiều người Pháp và người Việt Nam chết trong vụ đó".

Về Hội nghị Phôntennơblô, Người khẳng định: "Hội nghị chỉ có thể gián đoạn chứ không thể tan vỡ được. Tôi sẽ không khởi hành trước khi chúng ta có thể đi tới một sự thoả thuận".

Trả lời phỏng vấn của Giăng Bêđen, phóng viên báo Libération, Người nói: "Tôi không đặt điều kiện cho việc nối lại cuộc Hội nghị ở Phôngtennơblô".

Ngày 13-8, 16 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phỏng vấn ông Sáclơ Rôngsắc (Charles Ronsac), phóng viên báo Franc-Tireur. Người tuyên bố: "Tôi không muốn trở về Hà Nội tay không. Tôi muốn khi trở về nước sẽ đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể với sự cộng tác chắc chắn mà chúng tôi mong đợi ở nước Pháp"…

Ngày 16-8, 17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Rơnê Đuyxa (René Dussart), phóng viên báo Lettres Francaises, người đã sang Việt Nam.

Ngày 19-8, 17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Ghêriph (Guériff), phóng viên báo Le Monde.

Ngày 21-8, 17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông J. Bêđen (J. Bédel), phóng viên báo Librération.

Ngày 24-8, 10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phỏng vấn phóng viên báo Le Combat.

Ngày 25-8, 13 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cơm ông bà Rôxenphen (Rosenfeld), phóng viên báo Le Populaire.

Từ 22 đến 24 giờ, Người tiếp bà Útman (Woodman) đại biểu lao động và một phóng viên người Anh.

Ngày 29-8, 13 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và dùng cơm tại nhà ông Bécna, chủ bút báo Le Canard Enchainé.

Ngày 1-9, 17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Hisinien, phóng viên báo Trung Hoa ở Hội nghị 21 nước Đồng minh đến thăm.

Buổi tối ngày 2-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Hội liên hiệp Việt kiều và Hội hữu nghị Pháp - Việt tổ chức ở nhà Pleyel tại Pari, có hơn 3000 người tham dự.

Sau buổi lễ, Người trả lời phỏng vấn phóng viên Hãng Thông tấn Pháp AFP và nhiều báo khác về hiện tình cuộc đàm phán Việt - Pháp. Người khẳng định: "Vì quyền lợi chung của hai nước, cần phải đi đến một sự hiểu biết lẫn nhau càng nhanh chóng càng hay, để cùng có thể sẵn sàng bắt tay vào một công việc thiết thực. Tôi muốn có thể sớm trở về nước Việt Nam được, để mang lại cho dân chúng Việt Nam bằng chứng mối cảm tình của nước Pháp đối với họ".

Ngày 3-9, 10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Misen Moranh (Michel Morin), phóng viên báo Le Populaire.

Ngày 5-9, 13 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và mời cơm ông Bécna và Phêluýt, chủ bút báo Le Canard Enchainé và báo France Soir.

17 giờ cùng ngày, Người tiếp một số nhà báo Ấn Độ đến thăm.

Ngày 7-9, 10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Luythi (Luthy), nhà báo Thụy Điển.

13 giờ, Người tiếp và mời cơm ông Negrơ (Negre), Giám đốc Hãng Thông tấn Pháp AFP và ông Noócgiăng (Norgen), người sắp sang Việt Nam.

Ngày 10-9, 10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp bà Sáctơrét (Chartrette), phóng viên báo Tribune des Nations.

14 giờ, Người tiếp ông Mácxen Phuốcniê (Marcel Fournier), Giám đốc báo Franc-Tireur.

18 giờ, Người tiếp ông Lâusvinh (Lochwing), phóng viên Hãng Thông tấn Mỹ UP đến thăm.

19 giờ, Người tiếp Rôbớt Uynxơn (Robert Wilson), phóng viên Hãng Thông tấn AP đến thăm.

Ngày 13-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các phóng viên báo Pháp tại Khạch sạn Roayan Môngxô. Người tỏ ý thất vọng vì mục đích chính của phái đoàn đàm phán là độc lập cho Việt Nam và vấn đề Nam Bộ đều chưa được giải quyết. Nhưng Người nhận thấy thái độ thân thiện thành thực của Chính phủ và dân chúng Pháp đối với việc hàn gắn quan hệ hợp tác giữa hai dân tộc Pháp, Việt và hy vọng cuộc đàm phán sẽ được nối lại trong tương lai không xa và tin tưởng Hội nghị sẽ góp phần đem lại hoà bình cho thế giới.

Ngày 14-9, 10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Vương, một nhà báo Trung Hoa.

Ngày 15-9, 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp bà Ricon (Ricol), phóng viên báo Phụ nữ Pháp.

11 giờ, Người tiếp và nói chuyện với một số phóng viên của các báo Tribune des Nations, L’ Humanité, Cité des Populaires Thông tấn Pháp AFP.

Ngày 17-9, sau bữa ăn sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các quan chức sở tại đến chào và trả lời phỏng vấn của phóng viên báo La Marseillaise.

8 giờ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đặt vòng hoa tại mộ chiến sĩ vô danh. Lúc về, Người tiếp đại biểu các báo địa phương, cảm ơn nhân dân Pháp đã đón tiếp Người và đùm bọc công nhân, binh lính Việt Nam tại Pháp.

Những cuộc tiếp xúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí trong những ngày ở Pháp đã góp phần quan trọng vào việc làm cho nhân dân Pháp cũng như nhân dân các nước hiểu thêm về đất nước, con người và cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập tự do cho dân tộc và thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.
http://www.maitruongmenyeu.org

Thích

Báo xấu [0]

Gửi một bình luận lên tường nhà moder
Trả lời nhanh

Về Đầu TrangThông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

  © FMvi.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các nhà báo trong thời gian đi thăm nước Pháp năm 1946 EmptyChủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các nhà báo trong thời gian đi thăm nước Pháp năm 1946 Empty

« Xem bài trước | Xem bài kế tiếp »

Bài viết liên quan

    Quyền hạn của bạn:

    Bạn không có quyền trả lời bài viết

    • Skin SVNH Rip by dothinh Phát triển bởi BQT và tất cả thành viên.
      Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các bài viết do thành viên đưa lên.
      Vui lòng ghi rõ nguồn gốc bài viết khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.

      © FMvi - Mods by baivong

     Copyright © wWw.BenXua.Net/wWw.BếnXưa.Vn 2010 - 2012 | Diễn đàn bắt đầu : 16/07/2010 | Liên hệ / Phone 0938126695. | QC :Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các nhà báo trong thời gian đi thăm nước Pháp năm 1946 Online?u=anhchanganchoi_vnd&m=g&t=1